Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Những người góp phần làm nên chiến thắng

09:57 - Thứ Hai, 06/05/2024 Lượt xem: 3180 In bài viết

ĐBP - Đã qua 70 năm, những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã vào tuổi xưa nay hiếm. Dẫu vậy, câu chuyện họ kể về những ngày tham gia hoặc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ luôn hào sảng, oanh liệt và da diết. Những con người quả cảm năm xưa mãi tự hào được góp một phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến sĩ Điện Biên Lê Văn Nhân, Hà Đông, Hà Nội

Sôi sục khí thế tiến công

Tháng 10/1953, chàng thanh niên Lê Văn Nhân (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) mới bước sang tuổi 18 hay tin bộ đội về tuyển quân, chàng trai ấy hồ hởi xung phong ra trận, bảo vệ Tổ quốc.

Ông được lựa chọn và đưa về huấn luyện tại Phú Thọ trong 2 tháng, rồi cùng hành quân lên Tây Bắc và được bổ sung, biên chế vào Đại đội 17, Tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Đại đội của ông là đơn vị hỗ trợ hỏa lực, được trang bị súng đại liên, súng cối 60 và các loại hỏa lực khác...

Đến nơi, để chuẩn bị tấn công vào các cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ, ông và đồng đội cùng đào hầm hào, công sự. Ông Nhân kể: “Để giữ bí mật chúng tôi ngày giấu quân, tối đêm ra làm và giữ khoảng cách 2m với nhau. Đào hầm hào ở mọi tư thế có thể; ngồi, bò ra đào, sao cho được việc. Nhưng khó tránh có những lần địch phát hiện, tập trung hỏa lực tấn công để ngăn chặn quân ta”. Dù hiểm nguy, nhưng không một ai nao núng, giữ ý chí quyết chiến, quyết thắng, mong đợi lệnh xung phong tiêu diệt quân thù.

Chiến sĩ Điện Biên Lê Văn Nhân trở lại chiến trường xưa thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Ngay sau trận mở màn Him Lam, Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) - đơn vị ông Nhân và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) được giao nhiệm vụ tiến công cứ điểm đồi Độc Lập. Trung đoàn 165 đảm nhiệm việc tiến công đột phá từ hướng đông nam. 3 giờ 30 phút ngày 15/3, phát lệnh nổ súng tiến công. “Lựu pháo của ta bắn vào các cứ điểm địch, yểm trợ cho bộ binh xung phong. Trời sáng, trận đánh mới kết thúc khi quân ta đánh lui bộ binh, xe tăng địch đến giải vây. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm và sức tiến công áp đảo, 6 giờ 30 phút ngày 15/3, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Độc Lập, diệt gọn tiểu đoàn Bắc Phi tăng cường” - ông Nhân kể lại.

Khoảnh khắc ông Nhân khắc ghi là khi chuyển sang tổng công kích sáng ngày 7/5 lịch sử. Ông nhớ lại: “Ngày 6/5, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ tiến công cứ điểm 506. Đánh xong, chốt tại đấy, sáng hôm sau tầm 9 - 10 giờ thì tôi cùng 1 đồng chí được cử về hậu cứ để lấy cơm cho đơn vị. Lấy xong, 2 anh em gánh về thì bị lạc vì khi ấy giao thông hào dày đặc như bàn cờ. Nhưng đi đến đâu, cũng thấy bộ đội mình cầm súng chĩa về các lô cốt giặc. Lính Pháp thất trận hoảng loạn. Khi ta bao vây kín rồi, Pháp không có cơ hội hỗ trợ cho nhau nữa. Cơ hội đã đến, thời cơ đã đến, sáng 7/5 lệnh tổng tiến công, tất cả hỏa lực bắn phá vào các cứ điểm còn lại của địch. Đến chiều, quân địch ra hàng đông như kiến cỏ, lúc đó chúng tôi vui mừng lắm”.

Điều ông Nhân vô cùng tự hào là gia đình có 4 anh em trai cùng tham gia chống Pháp. Trong đó 3 anh em cùng trận tuyến tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Các ông đã cùng cống hiến, chiến đấu hết mình, góp phần làm nên chiến thắng.

Nguyễn Hiền (ghi)

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Văn Ngân, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ

Quyết tâm lên đường đánh giặc

Cách đây 70 năm, tôi là chiến sĩ thuộc biên chế của Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Ngày ấy, thanh niên Hải Dương chúng tôi sục sôi khí thế lên đường đánh giặc lắm! Ai cũng tình nguyện xin ra chiến trường. Thấy vậy tôi cũng hăng hái đăng ký xin đi bộ đội. Bấy giờ tôi dáng người nhỏ, nhẹ cân, lại ít tuổi nên ở xã không cho đi. Tôi quả quyết với các đồng chí ở xã nếu không cho đi bộ đội thì tôi lên… đồn địch ở. Thế mới được ra chiến trường đấy!

Rồi tôi nhập ngũ, được đi huấn luyện và học chính trị ở tỉnh Thanh Hóa. Lúc đó tôi mới càng thấy đất nước ta trong cảnh lầm than, dân ta đói, khổ như thế nào dưới ách đô hộ thực dân. Tôi nhớ lại những cảnh giặc Pháp về bắn giết, đốt phá như thế nào. Ngay trong xã tôi, tôi trực tiếp thấy rồi, đau xót lắm! Từ đó, tôi càng thêm nung nấu ý chí sắt đá phải ra chiến trường.

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Văn Ngân trao đổi với phóng viên.

Khi lên tới Điện Biên, đơn vị tôi đóng quân tại khu vực Tà Lèng, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ ngày nay. Cứ chiều chiều tầm 17 giờ là anh em chúng tôi lại ra đào giao thông hào, lấn dần vào trung tâm đề kháng của địch. Trong lúc đào thì pháo sáng của địch bắn sáng trưng như ban ngày. Máy bay của địch được thế thả bom liên tục. Chiến sĩ ta hi sinh cũng nhiều lắm. Nhưng tôi và đồng đội vẫn không hề nao núng, vẫn kiên cường bám trụ trận địa. Bước vào chiến dịch, đơn vị tôi tham gia đánh đồi A1 - trận chiến dai dẳng, khốc liệt, cam go nhất trong cả Chiến dịch Điện Biên Phủ. Là lính đặc công nên chúng tôi thường được giao nhiệm vụ đặt bộc phá để phá hàng rào dây thép gai của địch cho đồng đội xung phong. Nhưng trận đánh quá ác liệt, chiến sĩ ta lên đến đâu hi sinh đến đó vì quân địch vừa có lợi thế trên cao, vừa cố thủ trong hầm ngầm. Anh em trong đơn vị tôi cũng vậy, thương vong rất lớn. Ấy thế mà tinh thần anh em không hề nao núng, chỉ biết chiến đấu dũng cảm thôi. Chỉ huy hô “Tiến lên” là anh em cứ thế xung phong, trong đầu không nghĩ gì đến thương vong, coi cái chết như không có… Ở trận đánh này tôi cũng bị thương, cụt mất một bàn tay. Lúc ấy còn trẻ, lại đang “hăng” nên chẳng hề thấy đau đớn gì. Quân y sơ cứu xong, đơn vị cho rút về tuyến sau để an dưỡng nhưng tôi nhất quyết không chịu về, tiếp tục ở lại cùng đồng đội. Đến khi vết thương đã đỡ, trong người khỏe lại, tôi lại cùng đồng đội chiến đấu. Tôi còn nhớ chỉ huy có dặn khi bộc phá nổ là không được ở trong “hầm ếch” mà phải ra giao thông hào để trú ẩn. Khi bộc phá nổ, nghe tiếng xung phong của chiến sĩ ta là tôi biết chắc chắn chiến dịch sẽ giành thắng lợi. Quả đúng như vậy, chỉ mấy tiếng sau thôi là tin chiến thắng truyền về, tôi cùng đồng đội hò reo, nhảy múa trong niềm vui chiến thắng...

Mai Giáp (ghi)

Giao liên Phạm Ngọc Toan, Phường Tân Phong, TP. Lai Châu, Tỉnh Lai Châu

Người dân công dẫn đường

Năm 13 tuổi, cậu bé Phạm Ngọc Toan (quê Đông Hưng, Thái Bình) chứng kiến Pháp ném bom, san bằng nhà cửa, đình chùa, hàng chục người cùng làng, xã mất mạng, trong đó có anh trai của cậu. Lửa căm thù giặc ngùn ngụt, Toan trốn gia đình sang xã bên xin đi tòng quân. Rồi sau đó có cơ hội lên Tây Bắc làm giao liên dẫn đường đưa các đoàn dân công hỏa tuyến vượt “chảo lửa” Cò Nòi (Sơn La) tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Giờ cậu bé Phạm Ngọc Toan ngày ấy đã là cụ ông gần 85 tuổi. Sau nhiều năm cống hiến cho Tổ quốc, ông gắn bó với mảnh đất Tây Bắc, an cư lạc nghiệp tại tỉnh Lai Châu. Nhớ lại thời niên thiếu, ông Toan kể: Khi 13 tuổi, tôi xin đi tòng quân, các anh bộ đội cười bảo “thôi em ạ, về ăn thêm 2 cót thóc của bu nữa rồi hãy quay lại, các anh sẽ cho vào”. Nhưng tôi cứ ở đấy không chịu về. Thế là sau các anh cho vào làm liên lạc ở một lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh, nhiệm vụ như của Kim Đồng, Vừ A Dính. Không trực tiếp cầm súng đánh giặc nhưng cần gan dạ, dũng cảm. Có lần tôi chạm mặt quan ba Pháp, bị giữ lại tưởng bị bắt nhưng chúng giả vờ nhẹ nhàng vừa cắt tóc cho vừa làm tâm lý chiến, nói xấu Việt Minh. Song lòng căm thù giặc của tôi không gì lay chuyển được.

Cuối năm 1953, ông Toan nhận nhiệm vụ lên Tây Bắc, tiếp tục làm liên lạc, dẫn các đoàn dân công hỏa tuyến thồ gạo, gánh hàng, tải đạn... vượt qua các cung đường nguy hiểm, nơi giặc oanh tạc ác liệt, đặc biệt là ngã ba Cò Nòi để vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược cho tiền tuyến Điện Biên Phủ. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, ngã ba Cò Nòi không một ngày nào vắng những trận bom oanh tạc. Mỗi ngày có hàng trăm hố bom, lượt bom trước chưa kịp lấp thì lượt sau đã ập tới.

Ông Toan nhớ lại: “Nhiệm vụ của tôi lúc đó là dẫn đường cho các lực lượng sơ tán tránh bom vào ban ngày, và dẫn đến các trạm hậu cần vào ban đêm. Các đoàn dân công hỏa tuyến của mình quả cảm và khí thế hào hùng. Ra chiến trường đông lắm, đi rầm rập suốt đêm, không lúc nào ngớt người. Cứ chiều tối là ra tải hàng, mỗi đoàn chỉ đi được khoảng 20km/đêm vì đông người, hàng nặng, đường lên nhiều dốc. Lên dốc đã gian nan rồi, xuống dốc lại càng nguy hiểm và vất vả, các anh các chị cùng nhau đẩy, cùng nhau ghìm xe, gánh hàng... Thấy các anh chị anh dũng như vậy, tôi càng thêm quyết tâm”.

Đến khi thắng lợi, người giao liên Phạm Ngọc Toan đã vượt hàng nghìn cây số với vô số lượt dẫn dân công hỏa tuyến chi viện cho chiến trường. Ông đã đồng hành với các lực lượng vượt qua mưa bom, bão đạn, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa đầu”.

Bảo Anh (ghi)

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Bá Viết, phường Đông Hải, TP. Thanh Hóa ,tỉnh Thanh Hóa

Nhớ đồng đội

Khoảng tháng 7, tháng 8 năm 1953 theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Sau đợt tuyển quân, chúng tôi hành quân từ Thanh Hóa đi Điện Biên Phủ, lúc đó chưa ai biết nhiệm vụ của mình là gì. Con đường hành quân gặp nhiều vất vả khi băng rừng, vượt suối, lội đèo, vượt rừng già, qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, phải phá núi, mở đường để hành quân…

Lên đến Điện Biên Phủ, tôi được phân công vào Đại đội 388, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388. Một thời gian sau, tôi được điều lên làm thông tin liên lạc của Tiểu đoàn 89. Lúc bấy giờ, đồng chí Lê Chí Thọ là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 89. Ngay từ lúc mới quen biết nhau, hai anh em tôi trở nên thân thiết, chia sẻ và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, vất vả nơi núi rừng Điện Biên.

Chiến dịch Điện Biên Phủ chuẩn bị bắt đầu, ngày 13/3/1954, sau khi nhận lệnh của đồng chí Lê Chí Thọ về mở cuộc tiến công mở màn chiến dịch là cuộc tiến công vào cụm cứ điểm Him Lam. Tôi lập tức thông tin cho 3 đại đội thuộc tiểu đoàn của mình, tức tốc hành quân tấn công cụm cứ điểm Him Lam. Sau một đêm giành giật 3 lần, đến gần sáng thì quân ta chiếm trọn cứ điểm Him Lam. Nhưng sáng hôm đó, khi nghe tin chiến thắng cũng là khi tôi nghe tin đồng chí Lê Chí Thọ đã anh dũng hi sinh cùng nhiều anh em khác trong Tiểu đoàn 89. Sự hi sinh của đồng chí Thọ khiến tôi không cầm được nước mắt, đau lòng vì một người anh em, một người đồng chí thân thiết cùng mình chia sẻ những gian khổ bấy lâu nay đã không còn nữa…

Dẫu vậy, sau sự hi sinh của đồng chí Thọ cùng nhiều đồng chí khác trong Tiểu đoàn 89, cán bộ chiến sĩ càng hăng hái, quyết tâm giành thắng lợi, quyết giải phóng Điện Biên Phủ sớm nhất có thể.

Dù thời gian trôi qua đã nhiều năm, tôi hay bất kỳ người chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn tự hào vì đã tham gia chiến dịch vẻ vang, một chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và đặc biệt hơn cả là tôi không thể quên người đồng đội, người anh em thân thiết của mình đã anh dũng ngã xuống ngay trận mở màn chiến dịch.

An Chi (ghi)

 

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Du, xã Sơn Vy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ

Ký ức mãi không quên

Tôi là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 317, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 tham gia trực tiếp đánh đồi A1. Trải qua nhiều trận đánh ác liệt mà vẫn chưa chiếm được cứ điểm, từ ngày 20/4, Đội công binh 83 bắt đầu thực hiện đào hầm. Đại đội 317 được phân công nhiệm vụ giữ cửa hầm, tham gia đào và chuyển đất ra ngoài. Để giữ bí mật hầm được đào vào ban đêm. Nhiều đêm tôi cũng tham gia đào hầm và chuyển đất. Chừng 10 ngày, việc đào đường hầm chứa thuốc nổ dài hơn 50m được hoàn thành. Chúng tôi còn tham gia đưa thuốc nổ vào hầm. Ngày 22 và 25/4, địch tổ chức hai đợt phản kích quy mô tiểu đoàn. Bộ đội ta từ phía đồi Cháy, từ trên đồi A1, từ các trận địa chân đồi, tập trung hỏa lực bắn chặn đầu, cho các lực lượng xung kích đánh tạt sườn làm rối loạn đội hình. Trận thì bắn cháy xe tăng, trận thì bắn rơi máy bay địch, buộc chúng phải rút quân tiếp về Mường Thanh.

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Du (bên trái) lật giở từng trang sử về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Từ 12 giờ trưa ngày 1/5, pháo ta lại dội lửa xuống Mường Thanh - Hồng Cúm. Trên đồi D, pháo 75 ly của ta bắn thẳng xuống C1. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tiêu diệt địch. Tiểu đoàn 249 được lệnh chiếm lĩnh trận địa, quanh đồi A1. Đại đội 317 chúng tôi còn phân công giữ cửa hầm, bảo vệ cho đơn vị công binh 83 làm tốt nhiệm vụ gây nổ quả bộc phá gần 1.000kg, phá hầm ngầm của giặc vào ngày 6/5. Để đảm bảo chắc chắn, Chi bộ Đại đội 317 đã cử hai đảng viên tình nguyện cảm tử, trong trường hợp gây nổ không được thì mỗi đồng chí ôm một khối bộc phá nặng 20kg lao vào hầm ngầm gây nổ bằng được. Nhưng rất may phương án điểm hỏa bằng điện đã thành công. Lúc đó, tôi là người nằm cách không xa cửa hầm đặt khối bộc phá khổng lồ, bên phải là bụi tre già và bên trái là hai đồng chí cảm tử đang ôm khối bộc phá sẵn sàng lao vào hầm như kế hoạch đã định.

Vào thời điểm khối bộc phá nổ, tôi không nghe thấy gì, chỉ thấy người tôi bị một lực đẩy từ dưới lòng đồi, đưa khỏi mặt đất và bụi tre già cùng tôi bay lên cao rồi rơi xuống. Máu mồm, máu mũi ộc ra. Tôi ngất đi trong đêm, trong lửa đạn, cách chân đồi A1 vài chục mét. Sáng hôm sau, mọi người tìm thấy tôi nằm bất tỉnh, bên cạnh là bụi tre già bật gốc. Rất may khi người tôi bay lên, bụi tre già không đập trúng người, đất đá lấp còn hở mặt mũi. Thấy tôi mình đầy bùn máu nhưng còn thoi thóp thở, anh em đưa tôi vào trạm cấp cứu. Chiều ngày 7/5, tôi tỉnh lại, tai ù đặc không nghe thấy gì. Tôi thấy người cứu thương giơ tay làm hiệu, tôi mới biết đồi A1, cứ điểm quan trọng bậc nhất của dịch đã bị quân ta tiêu diệt. Chập tối hôm đó, tôi cũng được biết tin quân ta đã tiêu diệt, bắt sống toàn bộ quân địch ở Mường Thanh và bắt sống tướng Đờ-cát. Đến sáng ngày 8/5, khi đồng đội chuyển tôi về bệnh viện K5, tôi mới dần tỉnh và nhớ về anh em Trung đội 1, Đại đội 317 của tôi, ai còn, ai mất trong trận đánh cuối cùng trên đồi A1. Sau này, tôi được biết Đại đội trưởng đại đội 317 Đặng Đức Sa cùng 6 đồng chí Trung đội 1 của tôi đã anh dũng hi sinh. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên trận đánh năm đó và những người đồng đội đã hiến dâng cả cuộc đời cho chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử...

Phương Thúy (ghi)

Chiến sĩ Điện Biên Dương Chí Kỳ, quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Oanh liệt trận đánh đồi A1

Ở tuổi 90, Chiến sĩ Điện Biên Dương Chí Kỳ trở lại thăm chiến trường xưa Điện Biên Phủ. Ông xúc động khi nhớ lại những ký ức hào hùng một thời trai trẻ.

Năm 1953, ông Kỳ cùng các thanh niên đồng trang lứa nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, xếp bút nghiên tình nguyện nhập ngũ. Ông cùng đồng đội nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc, được trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, biên chế vào Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.

Ông cho biết: “Chúng tôi tham gia trực tiếp vào trận tổng công kích cuối cùng, làm hầm, làm đường hào vào cứ điểm A1. Đây là điểm cao có tầm quan trọng bậc nhất trong phòng ngự phía Đông và được Pháp trang bị thành cứ điểm mạnh nhất trong tập đoàn cứ điểm. Vì thế trước đó, quân đội ta mà trực tiếp là Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) và Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) đã thực hiện 3 cuộc tiến công vào A1 mà chưa chiếm giữ được”.

Chiến sĩ Điện Biên Dương Chí Kỳ (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội và thành viên đoàn TP. Hồ Chí Minh tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Từ đêm 30/3, Trung đoàn 174 đã mở cuộc tiến công quyết liệt đầu tiên vào A1, địch tổ chức phản kích mạnh, tăng cường xe tăng, pháo binh và không quân yểm hộ. Trung đoàn phải lui về, phòng ngự giữ 1/3 cứ điểm. Cuộc tiến công thứ 2, rồi thứ 3, ta và địch giành giật từng tấc chiến hào, cuối cùng mỗi bên giữ một nửa điểm cao. Từ ngày 3/4 - 6/5, quân ta đánh địch phản kích, giữ vững phần cứ điểm đã chiếm được, đồng thời đẩy mạnh việc tiêu hao sinh lực địch bằng bắn tỉa, tập kích, đoạt dù hàng của địch... Trong thời gian này, đội công binh bí mật đào 1 đường ngầm tới hầm cố thủ của địch ở đỉnh đồi. Trong 2 đêm (4, 5/4), đã vận chuyển và hoàn tất lắp đặt khối bộc phá gần 1.000kg trong lòng đất, sẵn sàng bước vào đợt tấn công mới.

Ông Kỳ kể lại: “Tôi cùng đồng đội đưa súng cối 82 ra trận địa từ tối ngày 5/5. Đến 20 giờ 30 phút ngày 6/5, khi lệnh tổng công kích được phát ra, khối bộc phá ngàn cân được điểm hỏa, tiếng nổ rung chuyển ngọn đồi, một số lô cốt, nhiều đoạn hào, ụ súng và một phần quân địch bị tiêu diệt. Chớp thời cơ, quân ta nổ súng xung phong. Giặc điên cuồng chống trả. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt bằng cả súng, lựu đạn, lưỡi lê và tay không... Đến 4 giờ 30 phút sáng ngày 7/5, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 800 tên địch và nhiều xe tăng, cơ giới của chúng. Đêm 7/5, sau khi toàn thắng, chúng tôi thu quân về đơn vị, thu chiến lợi phẩm và sau đó áp giải tù binh Pháp về đồng bằng”.

Sau ít phút, giọng ông Dương Chí Kỳ trùng xuống: “Để đánh tan giặc ngoại xâm, trận này nhiều cán bộ chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh. Ngày ấy, anh em cùng dâng hiến thanh xuân, cầm súng ra chiến trường, “nếm mật nằm gai” từ chia nhau nắm rau, hạt gạo, vậy mà người nằm lại đất mẹ, người còn đây. Từ khi lên lịch trở về Điện Biên dịp này, tôi đã thao thức nhiều đêm, đếm ngày được gặp lại đồng đội, thắp cho các đồng chí đã hi sinh nén hương. Về đây luôn nhớ anh em, nước mắt không cầm được. Tôi cảm thấy như đồng đội đã khuất đang ở bên nghe tâm tình mình gửi gắm, mong rằng các anh yên nghỉ. 

Nguyễn Hiền (ghi)

Bình luận
Back To Top